MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăm lo Tết chu đáo góp phần làm cho người lao động an tâm công tác.

Muốn nghỉ việc vì... thưởng Tết!

Thu Hà LDO | 13/01/2017 20:22
“Em chán chỗ này quá, cả năm mình làm như trâu mà danh sách thưởng cuối năm cho nhân viên xuất sắc không có tên em” – Mỹ Ngọc, nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên về bán lẻ hàng hóa tại quận 1 (TPHCM) bức xúc.

Ngọc bức xúc không phải vô cớ khi cô đã vào công ty được hơn 2 năm, trong quá trình làm việc, Ngọc luôn được đánh giá là một trong những nhân viên xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà công ty giao thế nhưng khi xét thưởng tháng lương thứ 14 cho các nhân viên xuất sắc, Ngọc bị gạt tên ngay từ…vòng gửi xe. Nơi Ngọc làm việc có hai loại thưởng Tết, loại 1 dành cho tất cả các nhân viên là một tháng lương thứ 13 thực lãnh, loại thứ 2 là tháng lương thứ 14, điều đặc biệt của tháng lương thứ 14 là bằng 3 tháng lương thường. Bộ phận của Ngọc có hơn 30 người, theo quy định, số nhân viên được nhận tháng lương thứ 14 không được vượt quá 20% số nhân viên toàn bộ phận. Theo Ngọc, sẽ không có gì đáng để nói và bức xúc khi việc xét thưởng công bằng.
“Điều kiện để xét nhân viên được thưởng tháng lương thứ 14 là các nhân viên phải làm trên 1 năm, các quý được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ và phải lấy từ trên xuống đủ 20%. Điều kiện có rõ ràng, vậy mà sếp không làm, sếp lặng lẽ đưa những người “thân sếp” vào danh sách nhận thưởng tháng lương thứ 14. Đến khi công ty công bố danh sách thưởng, cả bộ phận đều ngớ người ra” – Ngọc bức xúc. Những người “thân sếp” ở đây chính là nhân viên cũ của sếp ở đơn vị cũ. Ngọc nghe thông tin, khi sếp của Ngọc về đây làm trưởng bộ phận, đã đưa một loạt người của mình về với lời hứa lương, thưởng hấp dẫn, cho nên khi có tháng lương thứ 14, sếp đã ưu tiên cho các nhân viên cũ, thân tín của mình. Đáng nói, thời gian công tác của họ chưa được một năm, nhiều người chưa quen việc nhưng lại được thưởng tháng lương thứ 14.
Cũng đòi nghỉ việc khi nghe thông tin thưởng Tết, chị Thu Thảo, làm việc tại một bộ phận truyền thông của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản tại TPHCM bức xúc: “Nghĩ sao nguyên công ty được thưởng tiền dự án, bộ phận truyền thông lại không với lý do là hoạt động không hiệu quả. Không hiệu quả làm sao căn hộ được bán cơ chứ. Thưởng Tết là để công ty cảm ơn những đóng góp của người lao động trong năm qua, vậy mà công ty lại thưởng không công bằng thì ai còn làm việc. Không thưởng tức là công ty không ghi nhận công sức của tụi mình, vậy thì làm việc làm gì nữa”.
Nếu như Mỹ Ngọc bức xúc vì sếp quá ưu ái người thân tín của mình, cố tình làm sai lệch nội quy của công ty thì Thu Thảo và đồng nghiệp bức xúc vì chính sách không công bằng, không nhất quán của công ty. Mỹ Ngọc chia sẻ: “Mục đích đi làm của mỗi người trước hết là kiếm tiền đàng hoàng để lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình, khen thưởng là cách mà chủ doanh nghiệp ghi nhận công sức đóng góp của nhân viên, đó cũng là thêm một khoản để nhân viên trang trải cuộc sống. Thế nhưng việc chia thưởng không công bằng sẽ khiến cho nhân viên rất nản lòng và dù có yêu việc đến đâu, thì người ta cũng phải chuyển việc thôi”.
“Có những công việc làm là thấy thành tích ngay, ví dụ như bán nhà, bán đất, bán được nhiêu là biết, hoặc như sản xuất kinh doanh, nay may được cái áo, mai may được cái quần là thấy liền, nhưng cũng có những công việc không thấy được sản phẩm như truyền thông, dịch vụ… nhưng kết quả cuối cùng vẫn là sản phẩm được tiêu thụ hết, như vậy nghĩa là có công sức của tất cả mọi người. Đằng này, lãnh đạo lại bảo là truyền thông đã không có công. Người ta bảo “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, vậy mà đằng này, khi chính sách dư thừa, đủ đầy người ta vẫn không công bằng, làm vậy thì nhân viên nào yên tâm mà cống hiến” – chị Thảo chia sẻ.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn