MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động tại khu vực chợ Trời vẫn nhộn nhịp, nhiều con phố nhỏ do kinh doanh nên lòng đường bị thu hẹp khiến giao thông qua lại khó khăn. Ảnh: Cao Nguyên

Sau 1 năm Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo dẹp Chợ Trời: Vẫn là nơi tiêu thụ đồ gian

Cao Nguyên LDO | 10/02/2017 12:00
Cách đây gần 1 năm, lúc đó tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có chỉ đạo dẹp bỏ việc bán hàng cũ tại chợ Trời (hay còn gọi là chợ Giời, chợ Hòa Bình). Dù đã có chỉ đạo, nhưng đến nay, chợ Trời vẫn hoạt động rất nhộn nhịp. Nhiều người dân cho rằng, chợ Trời cũng là một điểm tiêu thụ đồ trộm cắp.
Mới đây Công an Hà Nội đã “sờ gáy” địa điểm cất giấu phụ tùng ô tô của “bà trùm” Đào Ngọc Lan (ở ngõ 31 và ngõ 43 phố Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng), có hàng nghìn sản phẩm mà trong số đó có không ít là tang vật các vụ trộm cắp...

Vẫn nhộn nhịp

Từ lâu, các con phố Lê Gia Định, Trần Cao Vân, Chùa Vua, Đồng Nhân, Đỗ Ngọc Du, ngõ Thịnh Yên,... nằm trên địa bàn các phường Phố Huế, Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) đã được dân chợ Trời cũng như nhiều người dân quanh vùng gọi với cái tên “bách hóa tổng hợp”. Dọc các tuyến phố bày biện la liệt các đồ phụ tùng xe máy, ôtô. Chợ Trời trở nên nổi tiếng vì nhiều loại hàng hóa khó tìm đều có bán ở đây.

Theo một số chủ hàng tại đây, hầu hết các phụ tùng được nhập về từ một vài cơ sở sản xuất phụ tùng tại Gia Lâm và các huyện khác. Một số khác thì được thu mua lại từ những người có nhu cầu bán, hoặc lấy lại của các đại lý thu gom đồng nát, sau đó chủ hàng sẽ gửi đến cơ sở sửa chữa lại và bán cho khách có nhu cầu.

Ngoài ra, tại chợ Trời này, không chỉ bán đồ độc, đồ hiếm mà đồ đạc, phụ tùng của ôtô, xe máy mất cắp chỉ cần ra chợ Trời tìm một lúc là thấy và thậm chí có nhiều trường hợp chủ phương tiện tìm thấy chính đồ của xe mình vừa bị mất cắp được bày bán tại đây.

Mới đây, Công an Hà Nội đã khám phá, làm rõ ổ nhóm chuyên trộm cắp và tiêu thụ tài sản trộm cắp là phụ tùng ôtô gồm: Trần Anh Tuấn (SN 1982, trú tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội); Nguyễn Tiến Huy (SN 1980, trú tại tổ 17, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) và Nguyễn Đình Tuấn (SN 1966, trú tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại cơ quan Công an, Tuấn và Huy khai nhận, từ giáp tết cho đến khi bị bắt, hai đối tượng thường chở nhau đi lòng vòng các khu vực đường vành đai, quanh khu vực các nghĩa trang, lợi dụng người dân đi tảo mộ, để xe ôtô sơ hở sẽ trộm cắp phụ tùng rồi mang bán cho Nguyễn Đình Tuấn ở chợ Hòa Bình.

Ngoài ra, Công an cũng đã đột kích hai kho chứa phụ tùng ôtô cũ của “bà trùm” Đào Ngọc Lan (SN 1985, trú tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng). Tại đây, cơ quan Công an đã thu giữ hàng nghìn loại phụ tùng ôtô như: Gương, nẹp, ốp la-zăng, cần gạt nước… trị giá hàng tỉ đồng. Trong đó, có nhiều loại phụ tùng của các “siêu xe” đắt tiền.

Theo tài liệu điều tra của cơ quan Công an, Đào Ngọc Lan buôn bán mặt hàng phụ tùng ôtô từ khoảng năm 2010 nhưng không có giấy phép đăng ký kinh doanh. Trong thời gian này, Lan thường buôn bán các loại phụ tùng ôtô là tang vật của các vụ trộm cắp.
Một góc chợ Trời.

Ghi nhận của phóng viên báo Lao Động ngày 8.2: Hoạt động buôn bán tại chợ Trời vẫn diễn ra bình thường như chưa từng có chỉ đạo nào của Thành phố. Theo khảo sát thực tế, dọc đường đi trong chợ như: Phố Lê Gia Định, phố Trần Cao Vân, phố Chùa Vua, phố Đồng Nhân, phố Đỗ Ngọc Du, ngõ Thịnh Yên…nhiều sạp hàng được dựng lên, thậm chí có những cửa hàng đồ đạc được bày ra giữa đường để kinh doanh khiến giao thông đi lại khó khăn. Hoạt động này kéo dài đến tận đêm khuya.

Vì được xem là “phố phụ tùng” lớn nhất Hà Nội, giá bán phải chăng và đa dạng mặt hàng nên lưu lượng người đến xem hàng, mua hàng cũng rất lớn. Việc dựng xe ngay dưới lòng đường để vào xem hàng vô tình khiến diện tích mặt đường giao thông bị thu hẹp.

Chưa có quyết định dẹp chợ Trời

Từ những vấn đề này gây bức xúc cho người dân, đầu năm 2016, trên các phương tiện truyền thông, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các lực lượng chức năng dẹp bỏ việc bán hàng cũ, không rõ nguồn gốc tại chợ khu này, nhưng 1 năm sau chỉ đạo, hoạt động buôn bán tại chợ vẫn diễn ra nhộn nhịp.

Chiều ngày 8.2, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Song Toàn - Phó chủ tịch UBND phường Phố Huế - cho biết: Đến nay chưa có văn bản chỉ đạo chính thức nào về việc “dẹp” bỏ chợ Trời. Nếu “dẹp” bỏ và di chuyển thì cần phải có văn bản cụ thể. Trường hợp, nếu di chuyển thì cần phải có mặt bằng nhưng hiện nay chưa có.

Cũng theo ông Toàn, vấn đề tồn tại chợ Trời hiện nay, là các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, khi “dẹp” bỏ sẽ gây phản ứng.

Cùng vấn đề này, một lãnh đạo Ban quản lý chợ Trời băn khoăn, nếu “dẹp” bỏ chợ Trời thì 800 hộ kinh doanh không biết đi đâu về đâu. Ngoài ra, vị này còn cho hay, chợ Trời vẫn là địa chỉ tin cậy để người dân tới tìm mua những thứ mình cần.

“Hiện chúng tôi chưa nhận được văn bản hay quyết định gì về việc “dẹp” bỏ chợ Trời. Thành phố chỉ đạo như thế nào thì chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện”, đại diện Ban quản lý chợ nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn