MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vụ hành hung nhân viên y tế (Ảnh minh họa)

Bác sĩ không thể “đánh lại” bệnh nhân

Thùy Linh LDO | 07/04/2017 18:16
Trong thời gian qua, tại một số cơ sở khám chữa bệnh đã xảy ra vụ việc người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế, làm mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của cán bộ, nhân viên y tế. Lo ngại trước tình trạng này, ngày 7.4, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện bảo vệ nhân viên y tế”.

Lợi dụng sự cố y khoa để tống tiền, đe dọa bác sĩ

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có hàng chục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào bệnh viện hành hung, đe dọa y bác sĩ, gây rối làm mất an ninh trật tự tại bệnh viện… Thậm chí, một số đối tượng còn lợi dụng các sự cố y khoa để đe dọa, tống tiền… bác sĩ và bệnh viện.

Đã có hàng loạt vụ việc xảy ra khiến cho dư luận vô cùng bức xúc, phẫn nộ như vụ người nhà một bệnh nhân kéo nhau vào đánh đuổi bác sĩ, điều dưỡng tại khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có một điều dưỡng đang mang thai tháng thứ 7 bị đánh ngất tại chỗ; vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Quận 7 – TP Hồ Chí Minh; hay đỉnh điểm là vụ người nhà bệnh nhân đâm bác sĩ tại Bệnh viện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình)…

Theo báo cáo về công tác đảm bảo an ninh bệnh viện của ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chỉ tính riêng từ tháng 1.2016 đến tháng 3.2017, lực lượng Bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện và bắt quả tang 23 vụ phạm pháp hình sự với 23 đối tượng, chuyển Công an phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) giải quyết. Cùng đó, bệnh viện này cũng đã bắt 35 đối tượng lang thang chuyển công an phường xử lý, bắt 12 vụ nhặt rác thải y tế, bắt 4 vụ cò môi giới khám bệnh.

Hay tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), trong năm 2016 đã xảy ra 8 vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gây rối trật tự, đe dọa nhân viên y tế; 2 vụ trộm cắp tài sản của người bệnh; 1 vụ đánh nhau ngoài bệnh viện rồi tiếp tục kéo vào bệnh viện để trả thù nhau; 1 vụ bệnh nhân thắt cổ tự tử. 3 tháng đầu năm nay, tại Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp tục xảy ra 7 vụ trộm cắp, 3 vụ xô xát, gây rối trong bệnh viện, 1 vụ bệnh nhân nhảy từ tầng 9 xuống tầng 1…

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, các vụ xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công, hành hung chủ yếu là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15%). “Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn lợi dụng các sự cố y khoa không mong muốn để thực hiện các hành vi phạm pháp như đe dọa, tống tiền… nhằm trục lợi” - ông lo ngại.

Chung mối lo ngại này, đại tá Phạm Văn Tám - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) - khẳng định, theo đánh giá của lực lượng công an, an ninh bệnh viện đang trở thành vấn đề cần quan tâm, theo dõi. Phổ biến nhất là tình trạng trộm cắp, móc túi, cò mồi, bảo kê tranh giành trước cổng các bệnh viện gây mất an ninh trật tự. Tình hình hành hung bác sĩ, nhân viên y tế vẫn gặp khá nhiều.

Đáng chú ý, theo đại tá Phạm Văn Tám, gần đây, còn gia tăng tình trạng một số bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân sử dụng ma túy, rượu bia, có các hành vi gây nguy hiểm cho y bác sĩ, nhân viên y tế. Ngoài ra, có tình trạng người nhà bệnh nhân phản đối khi bệnh nhân tử vong tại bệnh viện hay các băng nhóm giang hồ truy sát nhau tại các bệnh viện…

Nhân viên y tế bị hành hung nhưng không thể phản kháng

Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, nguyên nhân khiến tình trạng mất an ninh, trật tự an toàn trong bệnh viện gia tăng có lỗi từ cả phía nhân viên y tế và người bệnh, người nhà bệnh nhân. Tuy vậy, nguyên nhân sâu xa là do pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế. Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo nhiều bệnh viện trong công tác này còn mờ nhạt, các biện pháp đảm bảo an ninh ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Trao đổi tại hội nghị về vấn đề này, BS Võ Xuân Sơn- một người đã nhiều năm thực hiện chương trình chống bạo hành nhân viên y tế - cho rằng: “Nhân viên y tế vì vấn đề y đức mà không thể đánh lại bệnh nhân. Có rất nhiều người có đai đen, mà chỉ có nước chạy khi bị người nhà bệnh nhân hành hung. Đó là một đặc thù riêng trong ngành y tế, khiến cho nhân viên y tế khó có thể bảo vệ mình trước vấn đề bạo hành. Trong khi đó, xã hội có nhiều bức xúc, đi ra đường là có thể bức xúc. Nhưng ở đâu đó họ không trút bỏ được, và họ trút lên đầu những người không có khả năng phản kháng. Những người bạo hành nhân viên y tế có tính côn đồ, chưa hẳn là do trình độ văn hóa kém”.

“Điều quan trọng là lực lượng lãnh đạo các BV phải có một tư duy chính xác về y tế. Không thể lôi nhân viên y tế bị hành hung ra để kỷ luật. Hơn thế, cơ sở tuyến huyện thì cơ quan chức năng vào cuộc chưa được tốt. Vụ hành hung nhân viên y tế ở BVĐK Kim Thành- Hải Dương, bác sĩ bị một bệnh nhân “dân anh chị” chém đứt gân 3 ngón tay, nhưng khi gửi đơn đến công an, đến Bộ Y tế thì đã 2 năm rồi chưa có bất cứ trả lời nào? “- BS Xuân Sơn đặt câu hỏi.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn cũng cho rằng, Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể cho nhân viên y tế cách phòng và chống lại bạo hành. Đồng thời, các BV phải thông báo những đối tượng đã từng bạo hành trong toàn ngành. Khi có những đối tượng như vậy, phải đánh dấu khu vực, đánh dấu người bạo hành để nhân viên y tế biết chỗ đó là nguy hiểm để chú ý. Hơn nữa, quan trọng là khung pháp lý phải có khung riêng cho ngành y tế vì ngành y có đặc thù riêng, đã bị tước khả năng phản kháng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh rằng, để nâng cao hiệu quả công tác này, ngoài trách nhiệm, nhiệm vụ chính thuộc về lãnh đạo các bệnh viện thì cũng cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, chính quyền địa phương nơi có bệnh viện đóng trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn