MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ThS.BS Lê Thị Kiều Dung, chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - đang tư vấn khám bệnh.

Chưa có chương trình tầm soát nhiễm HPV ở nam giới

Nam Hương Giang LDO | 25/07/2016 12:20
HPV (Human Papilloma Virus) là loài virus đặc biệt chỉ gây bệnh trên biểu mô da và màng nhầy ở người. Cho đến nay, hơn 100 types (loại) đã được xác định, trong đó có 30 - 40 types thuộc vùng hậu môn - sinh dục.

Tùy vào khả năng gây ung thư hay không mà người ta chia các type HPV ra làm 2 nhóm. Một là HPV nguy cơ thấp, gây ra mụn cóc ở bàn tay - bàn chân, mồng gà ở vùng hậu môn - sinh dục, u nhú đường hô hấp hay tăng sản biểu mô khoang miệng (thường gặp là HPV 6, 11). Hai là HPV nguy cơ cao, hiện có khoảng 15 types gây ra ung thư, đặc biệt HPV 16, 18 gây ra ung thư cổ tử cung.

50% dân số có hoạt động tình dục sẽ có nguy cơ bị nhiễm HPV

ThS.BS Lê Thị Kiều Dung, chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục qua tiếp xúc như sinh dục - sinh dục, tay - sinh dục, miệng - sinh dục. Nhiễm HPV là một trong những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất và dễ dàng nhất. Nguy cơ nhiễm HPV cao nhất khi có tiếp xúc tình dục càng sớm.

Vị trí HPV xâm nhập và khu trú đầu tiên là vùng thượng bì, chủ yếu ở lớp biểu mô da và niêm mạc nhất là những vùng niêm mạc ẩm ướt, nhầy. Tỉ lệ lây truyền HPV giữa nam và nữ qua giao hợp thay đổi từ 5% - 100%, trung bình khoảng 40%. Tuy nhiên, HPV rất đề kháng với nhiệt và khi bị làm khô. Do đó, HPV còn có những đường lây truyền không qua tình dục như qua các đồ vật như dụng cụ cắt móng tay - móng chân, kềm bấm sinh thiết, đồ lót… Vì vậy, bao cao su không bảo vệ 100% vì còn tiếp xúc da ở vùng âm hộ, hậu môn. Đặc biệt HPV có thể lây truyền dọc từ mẹ sang con trong lúc sinh gây ra đa bướu gai đường hô hấp.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC-US), ít nhất 50% dân số có hoạt động tình dục sẽ có nguy cơ bị nhiễm HPV nguy cơ cao vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Trong 10 năm đầu tiên sau giao hợp, tần suất lưu hành bệnh gần 25% và nguy cơ nhiễm HPV trong suốt cuộc đời có thể lên tới 80%. HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, vì vậy các đối tượng có quan hệ tình dục không an toàn dễ có nguy cơ nhiễm HPV, đặc biệt các đối tượng tiêm chích ma túy có nguy cơ bị nhiễm HPV rất cao.

Nam giới cũng bị nhiễm HPV

BS.CK II Phùng Thị Phương Chi - Phó trưởng khoa Ngoại I, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết, nhiễm HPV là lây nhiễm qua đường tình dục thường gặp nhất. HPV có thể lây nhiễm từ người này sang người kia qua đường hậu môn, âm đạo, đường miệng. Những người có hoạt động tình dục đều có thể lây nhiễm HPV, khoảng 75%, ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Bạn có thể lây nhiễm HPV khi có quan hệ tình dục với người bị nhiễm HPV. Hầu hết nhiễm HPV tự hết và không gây bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu HPV không tự biến mất, sau nhiều tháng hoặc nhiều năm, nó có thể diễn tiến thành mụn cóc hoặc ung thư sinh dục. Bản thân virus HPV không tạo ra ung thư nhưng nó sẽ gây ra những thay đổi trong cơ thể dẫn đến ung thư, thường gặp là ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư hậu môn, có thể gây ung thư lưỡi, khẩu cái mềm.

Theo BS.CK II Phương Chi, hiện tại chưa thể nhận biết được ai sẽ nhiễm HPV tạm thời, ai sẽ diễn tiến thành ung thư. Tuy nhiên, ở nam giới, ung thư liên quan với HPV chỉ thường gặp ở người có suy giảm miễn dịch hoặc sinh hoạt tình dục qua đường hậu môn. Hiện tại chưa có chương trình tầm soát nhiễm HPV ở nam giới. Một vài tổ chức y tế trên thế giới khuyến cáo làm pap’s test ở những nam giới nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch do HIV, sinh hoạt tình dục qua đường hậu môn. Giảm nguy cơ lây nhiễm HPV bằng cách tiêm ngừa vaccine và sử dụng bao cao su.

ThS.BS Kiều Dung cho biết thêm: Cho đến nay, có nhiều phương pháp xét nghiệm để chẩn đoán HPV, nhiều xét nghiệm đã được FDA công nhận nhằm phát hiện DNA HPV ở cổ tử cung. Các xét nghiệm này đánh giá các tế bào bong tróc ở cổ tử cung để xem sự hiện diện của 15 - 18 loại HPV có khả năng gây ung thư. Hầu hết các xét nghiệm xác định được 14 loại HPV thường gặp nhất. Những xét nghiệm này được sử dụng theo mẫu của FDA và đã được hiệu chỉnh lại để phù hợp với tiêu chí chuyên biệt cho thực hành lâm sàng. Các xét nghiệm xác định sự hiện diện của HPV DNA nguy cơ cao đã được dùng như một công cụ hỗ trợ cho sàng lọc tân sinh trong biểu mô cổ tử cung ở phụ nữ trên 30 tuổi. Tất cả những tham khảo về xét nghiệm HPV đều nhắm đến chủng HPV nguy cơ cao. Vì cả 2 loại vaccine tứ giá và nhị giá chỉ bảo vệ chống lại những type HPV có trong vaccine (khả năng phòng ngừa 70%), nên những phụ nữ đã được chích vaccine vẫn cần làm pap sàng lọc ung thư cổ tử cung theo hướng dẫn.

Các chuyên gia khuyến cáo, ngoài chích ngừa thì dự phòng HPV có 2 cấp độ: Dự phòng cấp 1 là chích vaccine và các biện pháp phòng chống lây nhiễm khác như phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tuyên truyền giáo dục cộng đồng về quan hệ tình dục an toàn và dự phòng cấp 2 là khám định kỳ, tầm soát phát hiện và điều trị kịp thời các tổn thương tiền ung thư.

Cho đến nay, điều trị HPV vẫn chỉ là điều trị triệu chứng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để diệt virus. Tuy nhiên, trên 40% các trường hợp mồng gà, mụn cóc có thể tự thuyên giảm. Việc điều trị thường gây đau và xấu hổ. Các thuốc bôi tại chỗ hay phẫu thuật đều được dùng điều trị mụn cóc cơ quan sinh dục. Tỉ suất tái phát biến động rất lớn, dưới 5% với điều trị bằng podofilox hay laser và trên 65% với các biện pháp điều trị khác. Đối với các type HPV nguy cơ cao cũng chưa có thuốc đặc hiệu để diệt virus, tuy nhiên khả năng “sạch nhiễm” tự nhiên là 80% sau 6-8 tháng, chỉ có 20% là nhiễm kéo dài (nhiễm tồn tại). Nguy cơ ung thư xảy ra ở các trường hợp nhiễm kéo dài hoặc tái nhiễm nhiều lần.

ThS.BS Lê Thị Kiều Dung (Chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

 

 

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn