MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các quan chức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Ảnh: T.L

Giật mình chủ tịch nghỉ hưu

Dũng Tân LDO | 21/06/2017 07:02
Từ câu chuyện đáng tiếc của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam với văn bản phải thu hồi cùng lời xin lỗi, nhận trách nhiệm của ông Chủ tịch, nhìn rộng ra ở thể thao Việt Nam hiện nay, không thể không giật mình khi biết 16 trong 25 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia có người đứng đầu là các quan chức đã về hưu.
Nghỉ hưu về làm chủ tịch

16 trong 25 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia có người đứng đầu là các quan chức đã về hưu - thực trạng diễn ra cả ở liên đoàn của môn thể thao chuyên nghiệp nhất là bóng đá hay các môn phổ biến, có nhiều thế mạnh như bóng bàn, cầu lông, thể dục…, chưa nói đến các môn đặc thù như võ cổ truyền, yoga… Không chỉ những người chuẩn bị nghỉ hưu “giữ chỗ” mà cả những quan chức hưu trí rất lâu cũng được “xếp ghế”.

Với thể thao Việt Nam, đó không phải hiện tượng mà giống như quy định bất thành văn mang tính đặc thù. Thực tế, một số lãnh đạo của ngành thể thao và các lĩnh vực liên quan, trước khi nghỉ hưu đã thu xếp sẵn một vị trí ở một hay một vài tổ chức xã hội - nghề nghiệp thể thao. Nghịch lý ở chỗ, các quan chức nghỉ hưu nhận trọng trách đứng đầu các tổ chức xã hội nghề nghiệp để có một “bến đỗ”, có được một danh vị, vai trò chứ không căn cứ vào khả năng cống hiến, có thể đóng góp ra sao.

Chính bởi thế từng có chuyện khá nghịch lý khi một quan chức Bộ VHTTDL chỉ trong đúng 1 năm trước khi nghỉ hưu đã được bầu làm Chủ tịch của 3 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia.

Dự họp, trao thưởng và “không làm gì”

Thực tế, có một số người đứng chức danh chủ tịch là quan chức nghỉ hưu vẫn thể hiện được năng lực, tinh thần trách nhiệm và có những đóng góp tích cực, để lại dấu ấn và hiệu quả với các hoạt động lớn của liên đoàn, hiệp hội trong việc duy trì hoạt động, phát triển. Thế nhưng nhìn nhận một cách thẳng thắn, sòng phẳng, hầu hết đều chỉ “đánh trống ghi tên” trong suốt nhiệm kỳ. Người ta chỉ thấy sự xuất hiện của chủ tịch một vài lần mỗi năm để chủ trì hội nghị tổng kết, du đấu nước ngoài hay phát biểu khai mạc, bế mạc và trao thưởng tại một vài giải đấu….

Nếu liên đoàn, hiệp hội hay môn thể thao mà vị chủ tịch cầm trịch có vấn đề, nhất là những vụ làm xùm, người ta cũng mặc nhiên coi người đứng đầu, vốn phải gắn trách nhiệm cao nhất, gần như vô can vì “nghỉ hưu và có làm gì đâu”. Mọi chuyện đổ hết cả lên đầu ông tổng thư ký thường do cán bộ của ngành thể thao kiêm nhiệm và sau đó, trách nhiệm giải quyết sẽ thuộc lãnh đạo ngành thể thao. Điều này từng diễn ra như một “điệp khúc” buồn ở nhiều liên đoàn, hiệp hội từ quần vợt, bóng bàn cho tới vovinam…

Việc ông Chủ tịch Hoàng Vĩnh Giang thẳng thắn đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi vì việc ra văn bản lạm quyền gây ra những hiểu nhầm lẫn tranh cãi ở Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam mới đây là một trường hợp hy hữu.

Không thay đổi thì đừng hy vọng

Một tín hiệu rất đáng mừng khi thời gian gần đây, một số liên đoàn, hiệp hội thể thao đã chủ động tìm kiếm, vận động và mời gọi lãnh đạo theo xu hướng trẻ hóa, đúng với chủ trương cũng như xu thế xã hội hóa, tìm cách huy động các nguồn lực xã hội cho sự tồn tài, hoạt động và phát triển. Các doanh nhân thành đạt, có tiếng nói cùng năng lực thực sự có thể trở thành đầu tàu cho các môn thể thao, mà minh chứng thể hiện ở các đại hội nhiệm kỳ mới của các Liên đoàn bóng chuyền, bóng rổ, quyền anh, bắn súng…

Tình trạng áp đảo của các vị chủ tịch là quan chức hưu trí thực sự đã khiến cho phần lớn các tổ chức xã hội, nghề nghiệp của thể thao đã và đang phải trả giá. Thời gian gần đây, ngành thể thao và một số liên đoàn, hiệp hội đã cố gắng sửa sai trước đòi hỏi, yêu cầu cấp bách của thực tế. Tuy nhiên, xu hướng ấy chưa phải là một chủ trương, định hướng thống nhất và được thực hiện đồng bộ, quyết liệt theo một tiêu chí chung: Chủ tịch và kể cả tổng thư ký phải là người làm chuyên trách, có năng lực và khả năng
làm việc.
Khó trông chờ gì vào hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia khi mà hình mẫu phổ biến về nhân sự lại đang là “công thức”: Chủ tịch là quan chức về hưu và vị trí tổng thư ký là người kiêm nhiệm. Thậm chí, một vài môn thể thao như bóng bàn, cầu lông… thì cả chủ tịch và tổng thư ký đều là quan chức nghỉ hưu.

“Mỗi lần các liên đoàn, hiệp hội thể thao tổ chức đại hội nhiệm kỳ, ngành thể thao lại rất đau đầu với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, khi phải hỗ trợ quá nhiều vấn đề từ nhân sự cho tới kinh phí. Trong khi đó, khi có vấn đề xuất hiện, nhiều trường hợp phía Tổng cục TDTT phải đứng ra giải quyết. Để có thể đột phá, cần phải đổi mới phương thức hoạt động các liên đoàn, hiệp hội, mà đầu tiên, quan trọng nhất là phải nâng cao tính chuyên nghiệp từ công tác tổ chức và nhân sự” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn chia sẻ.

Có nhiều giải pháp cấp bách đặt ra để “giải cứu” các liên đoàn, hiệp hội đang tồn tại hình thức, thụ động giống như một cánh tay nối dài mờ nhạt của ngành thể thao. Trong đó, có một điều quan trọng phải thay đổi hoàn toàn chính là vị trí chủ tịch, không chỉ ở việc chọn lựa, tạo điều kiện cho họ làm việc mà còn cần chấm dứt hiện tượng biến liên đoàn, hiệp hội thành “bến đỗ” của các quan chức nghỉ hưu.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn