MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dây chuyền sản xuất thuốc đạt GMP (Ảnh: TL)

Thuốc nội bắt đầu “lên ngôi” tại các cơ sở y tế

Thùy Linh LDO | 12/05/2017 18:25
Trước đây, người Việt vẫn chưa “mặn mà” với thuốc nội, từ đó, thuốc nhập ngoại lên ngôi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất thuốc trong nước. Từ năm 2013, Bộ Y tế phối hợp với nhiều cơ quan liên quan phát động Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam", đến nay kết quả thu được rất khả quan.

Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 50% nhu cầu

Tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 và phát động triển khai giai đoạn 2 Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” tổ chức sáng 12.5, Bộ Y tế đã đưa ra những thành quả bước đầu thu được sau 4 năm thực hiện Đề án. 

Theo ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế, sau 4 năm thực hiện đề án, với nhiều hình thức tuyên truyền, nhiều cơ chế, chính sách được sửa đổi, đến nay thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng, chữa bệnh cho nhân dân, cung cấp 10/12 loại vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Thuốc sản xuất trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới với 520 hoạt chất trên tổng số 953 hoạt chất hiện đang lưu hành trên thị trường.

Đặc biệt, tại tuyến tỉnh, trước khi thực hiện đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước là 33,9% nay đã tăng lên 35,4%; tỷ lệ tương ứng ở tuyến huyện là 61,5% và 69,4%; có những địa phương đã vượt mục tiêu đề án khi có tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện lên đến 80%, tuyến tỉnh trên 60% như tỉnh Ninh thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm đồng, Long An.

Một số bệnh viện có số lượng mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tăng nhiều như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất.

Bà con dân tộc tại các vùng trồng dược liệu để sản xuất thuốc (Ảnh: TL)

Quyết liệt từ chính sách đến hành động

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Túc Mã - Tổng Giám đốc Cty cổ phần Traphaco - cho hay, sau 4 năm thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế, doanh thu từ hệ thống nhà thuốc của đơn vị tăng trưởng tốt, việc triển khai bán hàng tại hệ thống Nhà thuốc được thuận lợi. Traphaco trở thành Cty sản xuất thuốc đông dược lớn nhất ở Việt nam, là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành Dược với doanh thu năm 2016 là 2.000 tỉ đồng.

"Dù vậy, khó khăn hiện nay là quá trình phát triển các vùng trồng dược liệu vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Bản thân doanh nghiệp phải cam kết, đảm bảo cho người dân tin tưởng sẽ có đầu ra cho sản phẩm họ trồng, thu nhập tốt hơn. Thứ 2 là chúng tôi phải làm sao thay đổi được thói quen của người trồng trọt để hưởng tới tiêu chuẩn chất lượng cao hơn”- bà Đào Thuý Hà - Cty dược phẩm Traphaco cho biết.

Ts.Bs Trần Viết Tiệp - GĐ Bệnh viện Việt Nam - Uông Bí - cho biết: "Tại viện, chúng tôi sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ 45 đến 50 %. Chúng tôi đã đảm bảo được chất lượng khám chữa bệnh với 1 chi phí phù hợp do sử dụng thuốc nội. Để làm được điều này, tôi cho rằng, đối với thầy thuốc thì phải tinh thông nghề nghiệp, phải biết sử dụng thuốc nào với bệnh nào và nên bắt đầu bằng thuốc nào và khi thuốc trong nước tốt đảm bảo chất lượng thì đương nhiên chúng tôi phải sử dụng".

Theo ông Trương Quốc Cường, với những kết quả khả quan, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% ở tuyến trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện. Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, tính đến năm 2015, cả nước đã có 163 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới, một số nhà máy đi đầu đầu tư đã đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như EU, Nhật Bản, PICS…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn