MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Triển lãm vệ tinh của họa sỹ Hà Trí Hiếu. ảnh do BTC cung cấp.

Nghệ thuật đương đại Việt biểu dương lực lượng

Việt Văn LDO | 22/11/2016 14:00
Một cuộc ra quân hùng hậu của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam qua triển lãm AIA Vietnam Eye (kéo dài 2 tháng, từ nay đến hết ngày 13.1.2017 tại Casa Italia - 18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội) cùng với việc ra mắt cuốn sách tại Hà Nội và sự xuất hiện của các triển lãm vệ tinh mà khởi đầu là của họa sĩ Hà Trí Hiếu từ 19.11 đến 11.12.2016 tại Hà Nội...

Triển lãm của họa sĩ Hà Trí Hiếu được giám tuyển bởi nghệ sĩ Trần Lương, cả hai đều là thành viên của “Gang of Five” - nhóm họa sĩ trẻ đầu tiên được ghi nhận trên trường quốc tế sau thời kỳ Việt Nam mở cửa vào những năm 1980. Sinh năm 1959 tại Hà Nội, Hà Trí Hiếu chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những ký ức và kỷ niệm tuổi thơ về những cảnh vật và con người xung quanh, tác phẩm của ông gắn liền với vẻ đẹp của làng quê Việt Nam. Sau phần khai mạc triển lãm của nghệ sĩ Hà Trí Hiếu, một lớp học nghệ thuật dành cho trẻ em cũng được tổ chức vào buổi chiều, với mong muốn trẻ em sử dụng nghệ thuật và sáng tạo như một phương tiện để kết nối.

Tôn vinh nghệ thuật đương đại

Triển lãm AIA Vietnam Eye chỉ triển lãm tác phẩm của 20 nghệ sĩ, còn cuốn sách giới thiệu 56 nghệ sĩ được tuyển chọn từ 180 hồ sơ đăng ký của các nghệ sĩ hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Hội họa, nhiếp ảnh, sắp đặt, trình diễn...

Đây là một dự án lớn do Parallel Contemporary Art cùng Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam và Saatchi Gallery phối hợp thực hiện, nhằm tôn vinh nghệ thuật đương đại đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. AIA Vietnam Eye là dự án thứ 8 trong chương trình Global Eye Programme do David và Serenella Ciclitira khởi xướng năm 2009 nhằm nuôi dưỡng các tài năng nghệ thuật tại các thị trường nghệ thuật mới nổi ở khu vực Châu Á. Chương trình này được tài trợ bởi AIA và nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Cộng hòa Italia và Đại sứ Anh tại Việt Nam.

Các tác phẩm của một thế hệ nghệ sĩ đương đại Việt Nam đã đem lại những góc nhìn khác nhau về mối quan hệ giữa lịch sử, quá khứ và hiện tại, những vấn đề, khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội Việt Nam. Triển lãm được giám tuyển bởi bà Serenella Ciclitira (Nhà sáng lập Parallel Contemporary Art), ông Nigel Hurst (Giám đốc điều hành của Saatchi Gallery), ông Niru Ratnam (Giám đốc START) và nghệ sĩ Trần Lương.

Ông Nigel Hurst cho biết: “Tôi rất ấn tượng khi xem những tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam. Nổi bật lên là những kỹ năng nghệ thuật của người nghệ sĩ, sự đa dạng trong phong cách. Thông qua những tác phẩm (mà dự án chọn triển lãm), quý vị có thể thấy nhiều mặt khác nhau của Việt Nam, những lát cắt về đường phố, văn hóa… Sự hợp tác đặc biệt này, chương trình thứ 8 của dự án Global Eye, là một cơ hội tuyệt vời để giới thiệu nền nghệ thuật mới từ Việt Nam đến với đông đảo khán giả quốc tế hơn, đồng thời mang đến một nền tảng nghệ thuật độc đáo mà nguồn năng lượng và tầm nhìn được thể hiện trong các tác phẩm của nhóm nghệ sĩ Việt Nam xứng đáng được ghi nhận”.

Cùng với triển lãm, cuốn sách được in ấn đẹp do bà Serenella Ciclitira biên tập và nhà xuất bản Skira (Italia) ấn hành, thông tin khái quát về 56 nghệ sĩ cùng những bài viết giới thiệu về bối cảnh của nghệ thuật đương đại Việt Nam...

Bên cạnh triển lãm chính, dự án cũng bao gồm một chuỗi các triển lãm vệ tinh diễn ra tại Nest by AIA ở Hà Nội và TPHCM.

Mắt của những người trẻ

Các nghệ sĩ được triển lãm phần nhiều còn khá trẻ. Duy Phương (sinh năm 1984 tại Long An) với dự án ảnh ấn tượng về chủ đề môi trường, đã nằm vùng với những người dân một vùng sông nước đủ lâu để họ hiểu và chia sẻ mọi chuyện với anh, để có những bức ảnh với nhiều lớp cảnh, gợi mở nhiều ý tứ. Với anh “nước là tinh thần mà bạn chỉ có thể hiểu bằng cách đắm chìm trong bản chất của nó”. Hà Mạnh Thắng (sinh năm 1980 ở Thái Nguyên) cũng lấy cảm hứng về mặt hồ, với những bức tranh trừu tượng diễn tả không gian, thời gian và đặc tính của hồ... Anh em sinh đôi Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải với tên gọi chung Le Brothers (Huế, 1975) lại khao khát tìm hiểu chính bản thân mình qua những khoảnh khắc của sự am hiểu và phân tích cuộc sống đương đại. Họ muốn đi bộ ngược về quá khứ và chuyển tiếp tới tương lai, qua những tác phẩm video art “Trò chơi”, “Màu đỏ” và “Cây cầu”....

Còn họa sĩ Lê Quý Tông (Hà Nội, 1977) thì nêu quan điểm nghệ thuật: “Tôi rất ấn tượng bởi những câu chuyện lịch sử qua các phương tiện truyền thông, quá trình tìm hiểu các thông tin có liên quan và các mối quan hệ giữa lịch sử và hiện thực. Sự đa dạng của các thông tin mới trên Internet cho tôi có nhận thức đa chiều hơn về một vấn đề. Mâu thuẫn phát sinh giữa các thông tin trong quá khứ và hiện tại bắt nguồn cho các chủ đề trong tác phẩm của tôi”... Họa sĩ Thế Sơn (Hà Nội, 1978) lại trăn trở với những giá trị trong không gian văn hóa và đời sống của người dân Hà Nội, giá trị đã có trong quá khứ, cái đang xây dựng ngày hôm nay và cả dự báo tương lai...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn