MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim Tây Du Ký với nhiều hình ảnh mát mẻ lại không bị dán nhãn C13.

Phim Tết Việt thất thu trước phim ngoại vì nhãn dán?

Minh Thi LDO | 12/02/2017 14:00
Trong dịp Tết Đinh Dậu, tính đến ngày 1.2, “Tây Du Ký-Mối tình ngoại truyện” đạt doanh thu 35 tỷ đồng, và giữ kỷ lục thứ hai là phim “xXx: Return of Xander Cage” (Phản đòn) - 32 tỷ. Trong 3 phim Việt ra rạp dịp này, chỉ có “Nàng tiên có 5 nhà” có doanh thu 19 tỷ, xếp hạng ba, vượt qua phim “Kungfu Yoga” của Thành Long.
Phim Việt “khóc” trên sân nhà
Trước đó, phim “Chạy đi rồi tính” đã thay đổi lịch chiếu, ra rạp sớm trước tết. Thế nên, chỉ còn 3 phim Việt: “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, “Nàng tiên có 5 nhà” và “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kung Fu” tranh đua với ba phim ngoại. Dù không có gì đặc sắc, thậm chí còn bị chê là nhàm chán, song cả ba phim ngoại có phần thắng thế vì… phim Việt không đủ sức thu hút khán giả, trừ “Nàng tiên có 5 nhà” có cái tên danh hài Hoài Linh “bảo chứng”.
Lý giải hiện tượng này, nhiều người cho rằng, dù sao nữa, khi so sánh với “bom tấn” ngoại, thì phim Việt lép vế là chuyện thường. Hơn thế nữa, lý do quan trọng nhất, mùa Tết là mùa cả gia đình đi xem phim, mà cả ba bộ phim Việt đều bị dán nhãn giới hạn từ C13-C16. Trong khi đó, “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” với nhiều cảnh bạo lực, giết chóc, cảnh “trai gái”, ăn mặc hở hang… mà vẫn được dán nhãn P (dành cho đối tượng thông thường).
Xét về chất lượng, cả ba bộ phim Việt đều không đặc sắc, sàn sàn nhau, nên người xem chọn “Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện” với “vua hài” Châu Tinh Trì là dễ hiểu. Tại một số cụm rạp, bộ phim này luôn cháy vé, trên 10 suất chiếu mỗi ngày, cho dù so với phần 1, phần 2 năm nay cũng không thú vị mấy, thậm chí còn hơi khiên cưỡng, gượng gạo theo nhận xét của khán giả. “Kung Fu Yoga” của Thành Long chỉ có khoảng 6 suất/ngày, tức chỉ bằng một nửa phim của Châu Tinh Trì, nội dung cũng đuối, cho dù có ngôi sao hành động hài Thành Long.
Tương tự, bộ phim “xXx: Return of Xander Cage” cũng trở thành bộ phim được lựa chọn thứ hai vì… không còn phim hay nào để xem cả với trung bình 8 suất chiếu mỗi ngày. “Nàng tiên có 5 nhà” được chiếu nhiều ở cụm rạp của CGV, Galaxy và Mega, trung bình mỗi ngày khoảng 5-6 suất. Còn “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kung Fu” của đạo diễn Hoàng Phúc chỉ từ 2-3 suất mỗi ngày.
Cũng có Hoài Linh đóng, song “Rừng xanh kỳ lạ truyện” của Khương Ngọc - Ngọc Hùng lại không bằng “Nàng tiên có 5 nhà”. Phim lấy ý tưởng về người rừng và người đột biến, với dàn diễn viên ngoài Hoài Linh, còn có cặp diễn viên Thu Trang - Tiến Luật, Hứa Minh Đạt… song không đủ sức thu hút người xem. Phim hành động “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kung Fu” của đạo diễn-diễn viên Hoàng Phúc có mời Andy Long - nam diễn viên từng đóng thế cho Thành Long - cùng ê-kíp nước ngoài lo phần võ thuật, song vẫn không thoát khỏi những chi tiết khiên cưỡng khó gây cười.
“Rừng xanh kỳ lạ truyện” bị dán nhãn C13 nên lượng khán giả gia đình giảm đáng kể.

 

Nhà sản xuất “cay” vì nhãn dán
Ngoài yếu tố chất lượng như đã nói trên, phim Việt thất thu trên sân nhà còn vì nhãn dán hạn chế người xem. Vì là năm đầu tiên thực hiện việc phân loại độ tuổi khán giả cho phim ở 4 mức độ thay vì chỉ có C16 như trước đây, nên cả 3 phim Việt ra rạp mùa Tết này là “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, “Nàng tiên có 5 nhà”, và “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” đều bị “soi” kỹ để dán nhãn khoanh vùng đối tượng. Trong đó, “Rừng xanh kỳ lạ truyện” đính nhãn C13 (cấm khán giả dưới 13 tuổi xem), “Nàng tiên có 5 nhà” đính nhãn C16 và Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu đính nhãn C13.
Theo nhiều nhà sản xuất, việc bị đính nhãn là một đòn đau vì sẽ hạn chế khối lượng lớn khán giả gia đình- đối tượng thường chỉ được xem phim đính nhãn P. Và, trong mùa tết này, đó là 2 phim ngoại “Tây du ký:Mối tình ngoại truyện 2” và “Xe tải quái vật”. Tuy nhiên, hiện tại, lịch chiếu chính thức của “Xe tải quái vật” là ngày 3.2 (tức mùng 7 Tết) nên mấy ngày Tết vừa qua khán giả chỉ còn lại lựa chọn duy nhất là Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2.
Vì thế, việc đính nhãn này đã khiến 3 phim Việt mất đi một lượng lớn đáng kể khán giả. Theo bà Bích Liên, Giám đốc công ty Sóng Vàng, đơn vị sản xuất “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, ngay từ khi sản xuất phim cho mùa Tết, nhà sản xuất đã nhắm đến đối tượng khán giả là cả gia đình, làm phim hài nhẹ nhàng để ai xem cũng được. Vậy nên khi bị dán mác C13, bộ phim nhanh chóng bị rút suất chiếu và doanh thu mang về chỉ hơn 10 tỷ - một con số khiến NSX lỗ nặng. “Thất thu lớn lắm chứ, phim Việt nào cũng bị hết. Tết mà, lúc nào cũng cả gia đình kéo đi xem, giờ có nhãn như vậy là thua”, bà Bích Liên chia sẻ. Khi bà thắc mắc về việc vì sao Rừng xanh kỳ lạ truyện lại bị dán C13 trong khi phim không hề có cảnh bạo lực hay hở hang, trong tổng thể cũng không vi phạm thuần phong mỹ tục, thì chỉ nhận được câu trả lời là “hài cho trẻ con xem đâu có tác dụng gì”.
Theo đại diện nhà sản xuất phim “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu”, việc dán nhãn phân loại phim sẽ chẳng thể nào to tát nếu điều ấy được thực hiện một cách công bằng giữa phim nội và phim ngoại, và một số đơn vị phát hành không lấy đó làm đòn cạnh tranh thiếu lành mạnh. Khi ra rạp, phim Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu bỗng dưng bị hệ thống phát hành tự dán nhãn C16 dù phim được Cục điện ảnh xếp loại C13.
Điều đó khiến phim đã bị mất đi một số khán giả nay lại mất thêm nữa. Khi NSX phản ánh, các rạp mới điều chỉnh nhưng điều chỉnh khá chậm, 2-3 ngày sau khi phim bắt đầu chiếu và đã qua các “ngày vàng” mùa Tết.
Một số nhà sản xuất cũng đặt ra câu hỏi cho sự “nhầm lẫn” hy hữu này, rằng có hay không việc mượn nhãn dán để đẩy phim Việt vào thế khó, nhằm mở rộng đường cho các phim khác, trong đó có phim do chính hệ thống rạp nhập về.
Nhìn lại, mùa phim Tết vừa qua thất bại nặng nề cho thấy chất lượng phim Việt nếu không cải thiện thì sẽ còn vắng khách dài dài. Tuy nhiên, nên tạo sân chơi công bằng cho cả nhà sản xuất trong và ngoài nước, bằng không, chính mình làm khó mình trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà phát hành nội và ngoại, mà phần thiệt lại luôn thuộc về nhà làm phim trong nước.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn