MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người Việt chi 1 tỉ USD/năm đi chữa bệnh ở nước ngoài

LAN HƯƠNG - THÙY LINH LDO | 03/03/2016 15:23
Người Việt ngày càng “sính” đi du lịch chữa bệnh. Sách trắng của EuroCham cho biết chỉ trong năm 2015, có đến 40.000 người Việt Nam đi nước ngoài để điều trị. Ông Bradley A. Silcox - Chủ tịch của Pharma Group - nhận định nếu Chính phủ không cải tiến chất lượng y tế thì mỗi năm Việt Nam để mất 1 tỉ USD ngoại tệ chảy ra nước ngoài. 

Không thể “giữ chân” bệnh nhân

Các chuyên gia chỉ ra rằng vấn đề của Việt Nam hiện nay là nhiều bệnh viện (BV) không có đủ đội ngũ nhân viên có chuyên môn để đáp ứng tình trạng quá tải bệnh nhân và không thể chăm sóc chu đáo cho tất cả các bệnh nhân. Bên cạnh đó, các thiết bị y tế hiện nay đã cũ và cần được thay thế, đặc biệt là các trang thiết bị phẫu thuật và chăm sóc tích cực. Chính phủ Việt Nam vẫn “loay hoay” giải bài toán để cân bằng giữa việc đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng.

Ông Bradley A. Silcox - Chủ tịch của Pharma Group - cho biết: “Chúng tôi mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm trong sản xuất các sản phẩm chữa các dịch bệnh mới nổi trên thế giới”.

Một chuyên gia y tế cho rằng: Để người bệnh cảm thấy tin tưởng, yên tâm khi được khám-chữa bệnh thì các BV của Việt Nam cần thay đổi chất lượng khám-chữa bệnh cũng như thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. Thực ra, hiện nay, các BV lớn của nước ta có thể thực hiện nhiều kỹ thuật y tế ngang bằng với khu vực và thế giới. Nhưng người bệnh vẫn muốn ra nước ngoài chữa bệnh, một trong các lý do quan trọng là chất lượng phục vụ ở ta chưa tốt. Muốn “giữ chân” bệnh nhân, chỉ có cách là thay đổi, nâng cao chất lượng y tế.

Hiện nay, đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng BV để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Thành lập và phát triển mạng lưới BV vệ tinh. Thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình... là những biện pháp được Bộ Y tế đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu giảm quá tải BV.

“Hiện nay, Việt Nam không ngừng áp dụng và triển khai kỹ thuật cao trong khám-chữa bệnh như “ca ghép tạng xuyên Việt”, đã đồng thời ghép nhiều phủ tạng lấy từ người cho chết não; rồi kỹ thuật mổ cột sống có sử dụng Robot; kỹ thuật lọc máu liên tục điều trị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng... Rồi phẫu thuật vi phẫu của các bác sĩ BV Việt-Đức cũng là áp dụng kỹ thuật hiện đại nhất của thế giới...” - đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế phân tích.

Trong báo cáo công tác khám-chữa bệnh 2015 và kế hoạch 2016 của Cục Quản lý khám-chữa bệnh cho biết: Hiện nay, tổng số bệnh viện công lập và ngoài công lập là 1.361 BV, trong đó BV tuyến huyện là 629 BV, đạt 46,2%, BV tuyến T.Ư chiếm 2,9% tổng số BV. BV tư nhân chiếm 12,5% về số BV nhưng chỉ chiếm 4,1% về số giường bệnh. Tổng số giường bệnh thực kê trên toàn quốc hiện là 291.026 giường bệnh, trong đó giường bệnh tuyến tỉnh chiếm tỉ lệ lớn nhất 50,01%.

Dịch vụ chăm sóc tại nhà yếu kém

Nhiều BV ở Việt Nam thường xuyên trong tình trạng thiếu giường bệnh, vì thế các bệnh nhân không còn tình trạng nguy kịch sẽ phải xuất viện chỉ sau vài ngày. Do thiếu các dịch vụ chăm sóc tại nhà chuyên nghiệp và có tổ chức do các chuyên gia y tế có tay nghề đảm nhận, bệnh nhân thường sẽ tự chăm sóc hoặc được các thành viên trong gia đình chăm sóc, hoặc có thể chấm dứt điều trị nên khó có thể theo dõi được việc tuân thủ phác đồ điều trị và chất lượng điều trị sau xuất viện. Phần lớn bệnh nhân khi xuất viện không được chăm sóc tối ưu, sẽ tự chăm sóc ở nhà và dẫn đến tình trạng tái phát và biến chứng và phải nhập viện trở lại. Những biến chứng này thường sẽ khiến các BV ngày một quá tải và làm phát sinh chi phí cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Một số biến chứng có thể gây ra hậu quả phải cắt chi hoặc tử vong.

Các chuyên gia EuroCham cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên triển khai các dịch vụ chăm sóc tại nhà chuyên nghiệp do các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có chuyên môn và được đào tạo bài bản để đảm bảo chất lượng chăm sóc sau khi bệnh nhân xuất viện. Sách Trắng đưa ra kiến nghị đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ phát triển dịch vụ tiếp tục điều trị tại nhà của bệnh nhân thông qua: Các chương trình tập huấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về điều trị liên tục và các phác đồ chăm sóc phù hợp; Đào tạo các chuyên gia (hộ lý, dược sĩ…) tham gia chăm sóc bên ngoài BV; Hỗ trợ thành lập hệ thống chăm sóc tại nhà chính thức và có tổ chức do các chuyên gia được đào tạo phụ trách; Hỗ trợ tài chính cho bệnh nhân và gia đình có bệnh nhân chăm sóc tại nhà.

 

 

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn