MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đừng coi nhẹ trầm cảm sau sinh. Ảnh T.L

Trầm cảm sau sinh - “kẻ giết người không dao”

L.Hà (ghi) LDO | 15/06/2017 18:02
Những câu chuyện đau lòng do mẹ trầm cảm sau sinh giết chính con đẻ của mình đã xảy ra. Đau lòng, bất ngờ, đáng thương, đó là những gì người trong cuộc phải gánh chịu. Khái niệm trầm cảm sau sinh đã được nói nhiều nhưng sau nhiều vụ việc gần đây nó thực sự gây chú ý.
15% phụ nữ sau sinh mắc bệnh trầm cảm 
Bệnh lý trầm cảm sau sinh xảy ra sau khi người phụ nữ sinh nở và thường kéo dài khoảng 6 tuần nhưng nó thực sự nguy hiểm với các bà mẹ.
BS Nguyễn Mạnh Hoàn, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, chia sẻ: đối với phụ nữ sau sinh, bệnh trầm cảm thường đến từ từ hoặc có thể dai dẳng. Người bệnh có khi bị nhầm lẫn vào các triệu chứng khác. Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng tới 15% phụ nữ có sinh đẻ. Bệnh trầm cảm sau sinh có nhiều thể, thể nhẹ và trung bình. Người phụ nữ khó phát hiện hoặc không thừa nhận mắc bệnh trầm cảm khi ở thể nhẹ.
"Hiện nay, một thực tế đang tồn tại là rất nhiều phụ nữ cảm thấy e ngại phải nói ra tình trạng cảm xúc của mình. Họ tự đối phó và thường giấu giiếm nỗi đau khổ này. Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng vì nó gây xáo trộn cuộc sống của các bà mẹ trẻ, có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ, những đứa con khác, người chồng và các mối quan hệ với gia đình. Trầm cảm ở người mẹ sau sinh cũng có thể chuyển sang trầm cảm ở người chồng với một tỷ lệ đáng kể" BS Hoàn cho hay.
Chỉ vì trầm cảm người mẹ trẻ đã giết chính con của mình.
Các chuyên gia đã chia bệnh lý trầm cảm làm 2 loại: Khởi phát sớm và khởi phát muộn. BS Nguyễn Mạnh Hoàn cho biết: Triệu chứng khởi phát sớm bệnh trầm cảm là u sầu, xuất hiện với mức độ nhẹ, ngắn trong những ngày đầu hoặc tuần đầu sau đẻ. Trong suốt tuần đầu sau sinh, người ta thấy hơn 80% các bà mẹ đều trải qua “u sầu trẻ thơ” bao gồm các cảm giác đặc biệt hoặc các triệu chứng như: Chỉ chực khóc, cáu kỉnh, lo lắng, dễ thay đổi cảm xúc (lúc vui, lúc buồn)…
Các dấu hiệu này xuất hiện và đạt đỉnh điểm trong khoảng 3 đến 5 ngày sau sinh, sau đó dần biến mất trong vòng 2 tuần mà không phải điều trị gì  mà chỉ cần có sự an ủi cảm thông và nâng đỡ của người thân cùng gia đình. Như vậy, một số dấu hiệu trầm cảm, mệt mỏi, lo lắng có thể xảy ra với phụ nữ sau khi sinh là các phản ứng cảm xúc trong phạm vi giới hạn bình thường.
“Nguy hiểm hơn là loại khởi phát muộn, xuất hiện sau sinh một vài tuần và kéo dài bao gồm các dấu hiệu: Khí sắc trầm, mất quan tâm thích thú (kể cả với đứa con mới sinh), mất sinh lực, mệt mỏi kéo dài, mất ngủ, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, giảm cân hoặc tăng cân quá mức, khó khăn trong chăm sóc trẻ, ngại giao tiếp xã hội, lo lắng về sự tổn hại hoặc cái chết của chồng, con, có ý nghĩ tự sát…”, BS Nguyễn Mạnh Hoàn nói rõ.
Sinh con, chăm con 24/24 giờ khiến bà mẹ trẻ trầm cảm
Theo BS Hoàn trầm cảm sau sinh gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau trên những phụ nữ có các đặc điểm và hoàn cảnh cũng khác nhau. Có thể đưa ra một số nguyên nhân như yếu tố sinh học. Đó là quá trình mang thai và sinh đẻ đi kèm với sự thay đổi đột ngột các hoóc môn trong cơ thể người phụ nữ và sự thay đổi này đã tác động lên các cơ quan điều hoà cảm xúc. Hay do yếu tố tâm lý như sự ra đời của đứa trẻ được coi như là một sự kiện đặc biệt đối với hầu hết các bà mẹ trẻ. Sự thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, lo toan chăm sóc suốt 24/24 giờ dường như quá sức với bà mẹ trẻ.  
BS Nguyễn Mạnh Hoàn cũng chỉ ra các yếu nguy cơ gây trầm cảm sau sinh như căng thẳng, thiếu ngủ, thiếu sự hỗ trợ từ người thân, ăn uống kém, tiền sử gia đình có người bị trầm cảm, biến chứng trong quá trình sinh nở, khó khăn trong quá trình nuôi con... Tuỳ thuộc nhu cầu từng thể bệnh, mức độ bệnh bác sĩ sẽ có hướng điều trị cho từng trường hợp cụ thể khi được phát hiện ra mắc bệnh trầm cảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn