MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ cháu bé 35 ngày tuổi tử vong.

Từ vụ mẹ giết con 35 ngày tuổi: Trầm cảm sau sinh nguy hiểm thế nào?

Lệ Hà LDO | 14/06/2017 17:39
Nhiều vụ việc đau lòng do mẹ trầm cảm sau sinh đã từng xảy ra. Mới đây nhất là nghi án một bà mẹ trẻ gây ra cái chết của con trai 35 ngày tuổi tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nguyên nhân ban đầu được cho là người mẹ bị trầm cảm.

Trưa 14.6, lãnh đạo Công an TP. Hà Nội cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã xác định, nghi phạm gây ra cái chết của cháu V.V.A (35 ngày tuổi, ở thôn Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) là chị P.T.T (SN 1998), mẹ đẻ của cháu bé. Lãnh đạo Công an TP. Hà Nội cho biết, chị P.T.T có dấu hiệu mắc bệnh lý sau sinh.

Theo lời khai của người mẹ trẻ, rạng sáng 13.6, bé V.A khóc được mẹ cho bú và tiếp tục ngủ. Tuy nhiên, sau khi con ngủ, chị T thấy trong người rất khác lạ, khó chịu. Sau đó, T bế con ra gần cầu thang, thấy chậu nước đã đặt con vào chậu trong tư thế sấp mặt xuống nước. Sau đó, T đi vệ sinh và quay lại phòng ngủ. T cũng khai chính tay mình đã viết dòng chữ lên bậc thang.

Trầm cảm và giết người: Ranh giới mong manh

TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai - nhận định, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới 2 lần. Ở người phụ nữ, sự thay đổi hormon ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sảy thai, sau sinh, giai đoạn mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.

"Trầm cảm nặng, bệnh nhân thường có ý tưởng và hành vi tự sát. Đối với trầm cảm sau sinh là một trong những rối loạn cảm xúc do sự mất cân bằng với nội tiết tố của phụ nữ sau sinh. Trong sự việc này, người mẹ có biểu hiện hoang tưởng dẫn đến hủy hoại đứa con, sau đó sẽ tự sát. Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm có thể do hoang tưởng, suy thoái, mất cân bằng và ảo giác chi phối. Bên cạnh đó, phụ nữ sau sinh có thể bị sang chấn tâm lý nên dễ có những hành động không kiểm soát được”, TS Phương cho hay.

Đến chuyên khoa tâm thần quá trễ

TS Nguyễn Doãn Phương chia sẻ, việc điều trị trầm cảm gặp rất nhiều thách thức và khó khăn. Phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều không được nhận biết và điều trị sớm. Nhiều trường hợp bệnh nhân trầm cảm còn kỳ thị hoặc biểu hiện bằng các triệu chứng khác của cơ thể nên thường đến khám tại các chuyên khoa trước khi khám đến được chuyên khoa tâm thần. Khi đó bệnh đã nặng và điều trị không hiệu quả.

Vì vậy, phần lớn bệnh nhân trầm cảm chậm chễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa. Vấn đề khó khăn khác là điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng không mong muốn, bản thân bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ, bỏ điều trị.

Trong thực tế điều trị, hơn 50% bệnh nhân có nguy cơ tái diễn sau cơn thứ nhất, tỉ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn thứ 3 là 90%. Một số thuốc chống trầm cảm đạt được mức độ đáp ứng điều trị bệnh nhưng khi đó bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động khác.

Liều thuốc điều trị chống trầm cảm lý tưởng đó là việc phát hiện và điều trị trầm cảm cần có sự phối hợp của tất cả các chuyên khoa, và cần có sự hỗ trợ từ phía gia đình của người bệnh, từ phía cộng đồng..., TS Phương khuyên.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Trong năm 2016, Viện Sức khoẻ tâm thần khám và điều trị ngoại trú 18.402 lượt bệnh nhân trầm cảm (chiếm 30%), điều trị nội trú 446 lượt bệnh nhân (chiếm 13%). Trung bình mỗi ngày có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người.

Nghiên cứu mới nhất tại đơn vị này, năm 2016 ở những bệnh nhân từ 45 tuổi bị trầm cảm có tỷ lệ 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Đa số tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn